Erik gây tranh cãi vì tên viết tắt nhạy cảm: Mặt trái của trào lưu hashtag tên ca khúc

  • Vy Trần
Erik ghi tên mình vào danh sách vốn đã rất dài những ca sĩ gây tranh cãi vì tên ca khúc nhạy cảm

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao khi Erik "nhá hàng" về ca khúc mới với sự "lột xác" về phong cách của nam ca sĩ. Teaser của ca khúc mang màu sắc u ám với tông đỏ ma mị, trong đó Erik thẳng tay xé nát ảnh Jun Vũ. Mọi thứ đều ổn cho đến khi tên viết tắt của bài hát được hé lộ, đó là "#DCM". Một cuộc tranh cãi đã nổ ra khi dân mạng cho rằng dòng chữ viết tắt này gợi liên tưởng đến một từ ngữ thô tục, đưa Erik trở thành cái tên mới nhất trong danh sách những ca khúc gây tranh cãi vì tên viết tắt nhạy cảm.

Hình ảnh khác lạ cùng tựa đề gây tranh cãi trong sản phẩm mới của Erik

Hashtag tên viết tắt ca khúc - trào lưu đầy sức hút của Vpop

Một trong những trào lưu hot nhất trong năm 2018 phải kể đến việc sử dụng hashtag tên viết tắt của bài hát. Mở đầu với Chi Pu cùng "ESRAXLED" ("Em sai rồi anh xin lỗi em đi"), các ca sĩ đua nhau sử dụng công thức này cho các sản phẩm mới nhất của mình. Nhìn lại những sản phẩm nổi bật của Vpop thời gian qua, gần như không có MV nào nằm ngoài trào lưu này. Ngay cả "nữ hoàng giải trí" Hồ Ngọc Hà cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Hàng loạt các sản phẩm âm nhạc trong năm nay sở hữu những hashtag "thần thánh" 

Khi mạng xã hội đã trở thành một phần không thể tách rời trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, cơ hội truyền thông cho sản phẩm cũng nhờ đó tăng lên. Trong đó, hashtag là một công cụ thần kỳ. Ra đời với mục đích gắn kết những nội dung có cùng chủ đề, những người có chung mối quan tâm, hashtag đã trở thành công cụ quảng cáo đắc lực. Nó giúp lan tỏa nội dung đến những đối tượng tiềm năng, ngay cả khi người đó không theo dõi hay tương tác với chính chủ. Nhờ thế, nội dung có cơ hội viral hơn.

Với các nghệ sĩ, khả năng kết nối mạnh mẽ của hashtag là thứ họ tìm kiếm. Sự nở rộ của trào lưu dùng hashtag viết tắt tên ca khúc đã cho thấy các nghệ sĩ đã nhìn thấy sức mạnh truyền thông từ công cụ này. Từ những sản phẩm triệu view đến những MV của các tân binh đều tận dụng triệt để hashtag, tạo thành một trào lưu mạnh mẽ ở Vpop trong năm qua. Bên cạnh khả năng truyền thông, hashtag viết tắt cũng là một "chiêu" khơi gợi sự tò mò. Việc đoán mò tên viết tắt giúp khán giả có cảm giác mình được tương tác với nghệ sĩ, trở thành một phần của sản phẩm, do đó sẽ dành sự chờ đợi nhất định cho ca khúc. 

Hashtag viết tắt bài hát giúp việc truyền thông tiện lợi hơn, nhất là với những bài hát có tên quá dài. Có nghệ sĩ đã tận dụng thành công hiệu ứng từ công cụ này, điển hình là "CATENA" ("Có ai thương em như anh") của Tóc Tiên"ADODDA" ("Anh đang ở đâu đấy anh") của Hương Giang. Bản thân cụm từ viết tắt của hai ca khúc này cũng đã thuận miệng và có thể tạo thành một từ, do đó rất dễ để người hâm mộ nói đến. Hương Giang còn khá thông minh khi sử dụng cụm từ "Adodda" làm tên của homestay trong MV, một cách truyền thông đơn giản nhưng hiệu quả.

"Có ai thương em như anh" của Tóc Tiên...

...và "Anh đang ở đâu đấy anh" của Hương Giang là những sản phẩm tận dụng được hiệu quả của tên viết tắt

Mặt trái của tên viết tắt - Khi những tranh cãi không đáng có làm lu mờ những sản phẩm chất lượng

Cũng như mọi thứ khác trên đời, trào lưu này cũng có những mặt trái của nó. Thứ nhất, khi đã quá nhiều nghệ sĩ sử dụng công cụ này, nó không còn là chiếc chìa khóa vạn năng. Khán giả đã dần dần mất hứng thú với việc đoán mò tên ca khúc. Hơn nữa, khi thời gian vừa qua có quá nhiều ca khúc sở hữu tựa đề gây tranh cãi, khán giả cũng không còn trông chờ quá nhiều vào khả năng viral của một cái tên viết tắt như trước nữa.

Có những ca khúc mà bản thân nó rất "sạch", nhưng tên viết tắt lại vô tình mang ý nghĩa liên tưởng đến từ ngữ nhạy cảm và làm bùng lên tranh cãi, khiến sự chú ý không còn được tập trung vào chất lượng sản phẩm. Khi "Duyên mình lỡ" ra mắt, tên viết tắt "DML" đã nhận khá nhiều chỉ trích vì gây liên tưởng, trong khi bản thân ca khúc chẳng có điểm nào để chê. Nhạc hay, lời đẹp, MV chỉn chu và có một câu chuyện tốt để khai thác nhưng "Duyên mình lỡ" lại nhận những tranh cãi không đáng có.

Trường hợp của Erik cũng tương tự. Với sức hút, thực lực cùng khả năng tạo hit đã được bảo chứng của Erik, nam ca sĩ hoàn toàn có thể gây được sự chú ý với sản phẩm come back lần này mà không cần chiêu trò nào. Nhưng do tên ca khúc của anh vô tình có tên viết tắt nhạy cảm nên đã khơi dậy những tranh cãi. Những luồng ý kiến trái chiều đã hướng sự quan tâm của dư luận đến tên bài hát, bỏ qua phần nội dung chuyên môn rất chất lượng từ một giọng ca tài năng.

Có nhất thiết phải dùng tên viết tắt hay không?

Sở hữu một chiếc rìu không biến bạn thành tiều phu. Việc sử dụng công cụ hashtag một cách hiệu quả còn tùy thuộc vào độ nhanh nhạy và sự am hiểu chính bài hát của mình. Có nhiều bài hát chẳng cần đến hashtag hay viết tắt vẫn gây "bão", tạo được hiệu ứng mạnh mẽ. Việc tạo tên viết tắt còn phụ thuộc vào tên bài hát. Chẳng hạn với những bài như "Bùa yêu" của Bích Phương, "Chốn cũ" của Bùi Anh Tuấn hay "HongKong1" của Nguyễn Trọng Tài, nếu viết tắt thì ắt hẳn sẽ rất buồn cười và vô nghĩa. 

Những sản phẩm gây "sốt" mà không cần đến trào lưu hashtag viết tắt

Kết

Những sản phẩm thực sự có chất lượng sẽ tự động được công chúng đón nhận chứ không cần dùng bất cứ chiêu trò nào. Các nghệ sĩ cũng nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn tên viết tắt, bởi hoặc là nó sẽ tạo hiệu ứng tốt, hoặc là gây ra những tranh cãi không đáng có. Điều cuối cùng đọng lại trong lòng khán giả chính là những cảm xúc mạnh mẽ mà sản phẩm nghệ thuật mang lại, xuất phát từ chính thực lực của nghệ sĩ. 

Khánh Vy

Tin liên quan