Trấn Thành lên tiếng khi "Bố già" bị phàn nàn quá nhiều quảng cáo: "Có thực mới vực được đạo"

  • Vy Trần
Trấn Thành vừa chia sẻ quan điểm khi "Bố già" bị khán giả phàn nàn ngập tràn quảng cáo.

Sau 5 tập phát sóng, web drama "Bố già" của Trấn Thành đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn được khán giả nhắc đến. "Bố già" liên tiếp phá vỡ kỷ lục trên YouTube và nhận được cơn mưa lời khen. Tuy vậy, web drama đình đám này cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều về cái kết cũng như việc xuất hiện quá nhiều thương hiệu quảng cáo.

Một phân cảnh trong "Bố già"

Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề quảng cáo trong phim, Trấn Thành chia sẻ: "Tôi chỉ mong khán giả thông cảm thế này: Chúng ta đang xem một sản phẩm hoàn toàn miễn phí, đồng ý là hơi nhiều quảng cáo, tôi và ê-kíp cũng thấy vậy, nhưng mong rằng các bạn hiểu cho chúng tôi. Nếu một nghệ sĩ mà cứ bỏ ra hàng tỷ chỉ để làm miễn phí, vậy ai sẽ đủ tiền để cứ bỏ ra mãi như thế được?

Nhiều nhãn hàng hỗ trợ vậy đó nhưng làm xong thì vẫn lỗ. Các bạn có thể hiểu đơn giản là phải có những đơn vị hỗ trợ cùng đồng hành, phim mới có kinh phí tốt để được đầu tư tốt hơn. Nếu như không có những khoản hỗ trợ đó, dĩ nhiên đầu tư sẽ ít lại và chất lượng phim sẽ kém hơn. Các bạn muốn một bộ phim hay, đầu tư chỉn chu, kịch bản tốt, đạo diễn, diễn viên thật giỏi nhưng không muốn xem quảng cáo thì sẽ là một bài toán rất nan giải, vì phải 'có thực mới vực được đạo".

Một điều nữa, khi dự án của một nghệ sĩ được nhiều nhãn hàng đồng hành, đồng nghĩa dự án đó được thẩm định tốt, vị trí, 'sức nóng' vẫn còn. Đó là điều Trấn Thành may mắn vẫn còn giữ được. Mà ê-kíp tôi đã nhận hỗ trợ thì phải trả quyền lợi thật xứng đáng, hiệu quả cho họ. Các bạn cứ xem lại, tất cả lồng ghép quảng cáo trong Bố Già rất hợp lý, xem không quá khiên cưỡng và khó chịu".

Chia sẻ về vấn đề quảng cáo trong các sản phẩm nghệ thuật, Trấn Thành cho rằng: "Nói về quảng cáo, nếu như ai đó lạm dụng, nghĩa là cái gì cũng đưa quảng cáo vào dù không liên quan đến phim thì thực sự cũng khó chịu thật. Tôi là người nghĩ ra kịch bản rồi mới đi kiếm nhà tài trợ phù hợp với câu chuyện của phim. Ví dụ kịch bản tôi có đoạn liên quan đến trà sữa, tôi mới đi chào hàng công ty làm về trà sữa; kịch bản của tôi ông này chạy xe ôm thì tôi mới đi chào hàng công ty về xe. Tôi không đi ngược lại là công ty về xe đặt hàng tôi làm cái kịch bản này, nên các bạn thấy các sản phẩm tôi đưa vào nó đều liên quan đến cái câu chuyện là vậy.

Nói thêm để khán giả hiểu, cả dự án không phải chỉ mỗi tiền sản xuất, quay dựng phim, mà còn rất nhiều khoản chi ẩn, vô hình khiến khán giả sẽ khó thấy trong cả quá trình từ kịch bản, bối cảnh, sự cố rủi ro, phát sinh, truyền thông, họp báo... Tổng chi cho Bố Già tất tần tật, tôi có thể lỗ, nhưng tôi vẫn thoải mái, vui vẻ bù tiền túi để làm sản phẩm chỉn chu nhất".

Xem thêm: Trấn Thành bức xúc khi "Bố già" tập cuối bị spoil cái kết: "Làm ơn đi! Làm phim cực lắm!"

Tin liên quan