Thái độ của cô đồng bổ cau ‘đúng nhận, sai cãi’ khi làm việc với cơ quan chức năng

  • Nguyệt Thảo
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng đã làm việc với cô đồng T.H – chủ nhân của câu nói ‘đúng nhận, sai cãi’ lan truyền chóng mặt những ngày qua.

Liên quan đến vụ cô đồng T.H với câu nói ‘đúng nhận, sai cãi’ xôn xao mạng xã hội những ngày qua, sáng 8/2, trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo Công an Thị xã Kinh Môn ( Hải Dương) cho biết, đơn vị đang xác minh làm rõ thông tin vụ việc. Trường hợp nếu có vi phạm, Công an thị xã sẽ cùng Ban chỉ đạo tôn giáo của thị xã làm rõ và xử lý theo các quy định của pháp luật.

Cùng ngày, lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương thông tin, đơn vị đang chờ hoàn tất báo cáo vụ việc liên quan đến cô đồng T.H, sau đó sẽ có những phương án đề xuất cấp trên.

Được biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng đã tiến hành làm việc với cô đồng T.H. Theo tờ Dân Việt, bước đầu, cô đồng T.H rất hợp tác.

Cô đồng T.H. hiện đang sống ở phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Theo Chủ tịch UBND phường Hiến Thành, cô đồng T.H trước lấy chồng ở địa phương khác và mới về địa bàn sinh sống, trông nhà cho bố mẹ đi miền Nam.

Cô đồng T.H và những video ‘phán chuyện người khác’

Cô đồng T.H được biết đến qua những video ‘phán chuyện người khác’ qua hình thức bổ cau. Những đoạn video này nhận về nhiều lượt xem, cán mốc gần chục triệu view trên nền tảng Tiktok.

Qua các video này, cô đồng T.H. có thể đọc tên những người xung quanh đến xem khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ. Đặc điểm của những đoạn video được cô đồng T.H. đăng tải có vẻ ghi lại những lần coi bói trực tiếp của cô với ‘khách hàng’. Mỗi lần bổ cau, cô có thể nói vanh vách về một vấn đề nào đó.

Đáng chú ý, những clip vừa xem bói vừa bổ cau do cô tự quay bỗng chốc có hàng triệu lượt xem. Kịch bản khá đơn giản: mở đầu cô đồng hỏi về chuyện gia đình, công việc. Sau mỗi câu hỏi đều kèm cụm câu ‘đúng nhận sai cãi’. Đáng nói, các câu hỏi của cô đa phần đều rất chung chung. Giả dụ như dòng họ có người xuất ngoại đúng không? Nhà có ai tên là Đức không?… Rồi từ các câu trả lời của ‘con nhang’, cô tiếp tục xoáy sâu vào câu chuyện. Kế đó, cô sẽ nói tiếp về nguyên do, số mệnh. Và cuối cùng là giải pháp (đi cúng chỗ này chỗ kia, cẩn thận tháng này, ngày nọ…)

Nhiều người xem cho rằng đây là biểu hiện của mê tín dị đoan và lo ngại rằng việc lan truyền mê tín dị đoan trên mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Tin liên quan