ViruSs: 'Tôi từng sống chạm đáy tủi nhục và thấu hiểu sự cô độc'

Hải Âu 16:32 10/02/2019

Hot streamer 9x trải lòng về góc khuất gia đình, những cơ hội, thành công với nghề để được gọi với danh xưng 'người trẻ quyền lực'.

ViruSs, sinh năm 1990, hiện là streamer có tiếng nhất ở Việt Nam. Anh từng được tờ báo danh tiếng The New York Time nhắc đến như một streamer đình đám nhất tại châu Á với kênh YouTube có hơn 2 triệu người theo dõi. Tại sự kiện "Facebook Gaming Creator" tổ chức tại Thái Lan, ViruSs ẵm 3/5 giải thưởng vinh danh những streamer hàng đầu. Nửa cuối năm 2018 đánh dấu sự bùng nổ của ViruSs không chỉ trong cộng đồng chơi game mà sức ảnh hưởng còn lan tỏa ở lĩnh vực streaming.

Một số gạch đầu dòng đáng nhớ trong sự nghiệp của ViruSs:

-Tháng 5/2018 trở thành Giám đốc cộng đồng của Mạng xã hội Thể thao điện tử VTVplay

- Tháng 10/2018 trở thành đại sứ về Game của Facebook. Mở rộng studio chuyên về stream game ở Sài Gòn và Hà Nội; Mở rộng công ty media chuyên sản xuất các clip cho lứa tuổi teen phát trên YouTube.

- Tháng 12/2018 khai trương quán cà phê game ở Hà Nội.

- Trang ViruSs trên YouTube có hơn 2 triệu người theo dõi, Facebook có hơn 1,5 triệu người theo dõi.

- Tháng 1/2019, ViruSs chiến thắng tại hạng mục "Hot Influencer được yêu thích nhất " tại giải thưởng WeChoice Awards 2018.

- Ca khúc Thằng điên đồng sáng tác với Justa Tee cán mốc 52 triệu lượt xem chỉ sau 2 tháng ra mắt.
 

Danh hiệu không phải là tất cả

- Cuộc sống của bạn thay đổi thế nào sau khi trở thành một hot streamer, được bình chọn là "người trẻ quyền lực" trên mạng xã hội?

Tôi vui vì mình được nhiều người biết đến. Có chút bất tiện rằng tôi không có cuộc sống cá nhân như trước nữa. Tôi không thể mặc quần đùi ra đường hay lù xù xuất hiện ở đám đông. Nhưng tôi thấy đó là điều bình thường.

Khi đã vào khung nào đó để người ta thích, hâm mộ, mình cũng phải chịu "mất mát" điều gì đó. Điều này tốt cho tôi vì mình ngày càng hoàn thiện được bản thân. Ai trưởng thành cũng phải thay đổi như vậy.

Tôi trưởng thành trong suy nghĩ, có nhiều góc nhìn đa chiều hơn về mọi thứ. Tôi không thể nào chốc lát đưa ra quyết định ngay được.

- Bạn nói bị kìm trong các khuôn khổ của người nổi tiếng, vậy con người ViruSs đang thể hiện có phải là gắng gượng và "diễn"?

Tôi nghĩ đó là sự thay đổi, không phải là sự đánh đổi hay thua thiệt. Khi đóng phim, anh vào vai một nhân vật nào thì phải diễn cho ra chất nhất, đừng đóng kịch. Hình ảnh có thể thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể nhưng tính cách con người, tôi vẫn giữ lại cho mình. Tôi nghĩ bản thân như như thế nào, mình là người hiểu rõ nhất.

Tôi làm nghề stream này đã 7 năm rồi. Tôi tin, không có ai có thể diễn 8-10 tiếng mỗi ngày, liên tục trong bảy năm như thế cả. Nếu diễn thì 2-3 năm là giỏi lắm rồi. Tôi nghĩ con người tôi không phải như vậy. Sau 7 năm, mọi người vẫn thích tôi, đó là cách để thể hiện tôi đang nghiêm túc đến mức nào.

- Từ một du học sinh chuyên về âm nhạc, bạn chuyển sang làm streamer, cuộc sống và con người bạn thay đổi ra sao?

Hồi xưa, nước đầu tiên tôi đi là Học viện Moscow. Tất cả các nước lúc ấy đều học về piano, học về nhạc công. Khi sang Hàn Quốc, Chile… tôi học được thêm nhiều ngành khác như tổ chức sự kiện, marketing, báo chí truyền thông và nhiều thứ khác.

Tôi đã thay đổi rất nhiều, về tuổi tác, thời gian, công việc, hoàn cảnh gia đình. Trước đây tôi ít nói, không giao tiếp nhiều với những người không quen biết. Tôi cảm thấy mình cứng cáp lên sau thời gian gia đình gặp biến cố, khó khăn. Gặp nhiều người, va chạm nhiều nơi, tôi đã trở thành một con người khác. Sau chừng ấy chuyện ập đến, không có gì là khó khăn với tôi nữa. Những điều tồi tệ nhất trong cuộc sống này tôi từng trải qua hết rồi. Tôi sẵn sàng đối mặt và giải quyết nó hiện tại.

ViruSs: Tôi từng sống chạm đáy tủi nhục và thấu hiểu sự cô độc

ViruSs: Tôi từng sống chạm đáy tủi nhục và thấu hiểu sự cô độc

- Quyết định đó có khi nào khiến bạn hối hận?

Nhiều lúc tôi cũng có chút hối hận. Người ta nói tại sao tôi lại bỏ một cơ hội tốt như vậy. Tôi cũng tự xoa dịu mình rằng "không sao đâu" hay “cứ làm tốt công việc hiện tại là được". Nhiều lúc tôi nghĩ giá như vẫn làm nhạc chắc giờ mọi thứ đã khác, từ mối quan hệ đến các tác phẩm với công chúng.

Tôi nghĩ mọi thứ đều có duyên của nó. Hiện tôi quyết tâm làm công việc của mình. Khi tôi có sức ảnh hưởng nhất định, tôi sẽ quay trở lại âm nhạc. Bây giờ tôi phải làm gấp đôi gấp ba lần so với người khác. Khi mọi người đi chơi, nghỉ ngơi, tôi lại đầu tư vào âm nhạc, quay trở lại những gì đã học và học thêm những gì mình chưa biết.

- Những con số, giải thưởng khiến bạn được gọi là "người trẻ quyền lực", bạn nghĩ gì về danh xưng này?

Khi nói và viết, mọi người hay dùng cụm từ đó để người nghe có cảm giác gần gũi nhất. Tôi không bao giờ đưa mình vào trạng thái so sánh cả. Tôi đang làm việc và muốn chinh phục những cái mình muốn. Còn chuyện tôi có quyền lực, địa vị, tiền bạc hay không, đó là suy nghĩ, đánh giá của từng người.

Tôi có địa vị nghĩa là được mọi người tôn trọng. Tôi kiếm được tiền, mọi người mừng cho tôi, tôi cảm thấy vui. Nếu mọi người cảm thấy tôi kiếm tiền không tốt, tôi cũng không bận tâm lắm đâu. Hiện tôi rất vui vì đã có những gì mình muốn, ít nhất là cũng giúp đỡ được nhiều người. Bây giờ, tôi làm việc không phải vì tiền.

Kiếm được tiền từ công việc streaming

- Công việc streamer mang lại giá trị gì cho bạn và cộng đồng trẻ hiện nay?

Tôi cảm thấy rất vui vì tìm được nghề đúng con người mình sau biến cố gia đình. Tôi có rất nhiều người thầy âm nhạc, tâm lý. Họ bảo cái thiếu thốn của tôi bây giờ là tình cảm. Khi tôi ngồi trước máy tính nhìn webcam nói chuyện với hàng nghìn người, tôi không ngại ngùng gì cả. Đó là con người của mình lúc này.

Sau khoảng thời gian ấy, tôi thấy mình giao tiếp tốt hơn, có nhiều mối quan hệ hơn. Tôi thấy càng làm mình càng mang giá trị cho người xem. Nếu tài khoản của tôi chỉ là kênh hài thôi, chưa chắc tôi đã làm tốt như người khác. Mình đã tạo được giá trị riêng thì đến nay mới tồn tại và được nhiều người nhớ đến. Đó là giá trị nhỏ tôi đóng góp cho mọi người cũng như bản thân.

- Bạn đến với streamer vì muốn khỏa lấp tâm trạng sau biến cố gia đình hay đam mê thật sự với nó?

Streamer là công việc tình cờ và tôi nhận ra mình có tố chất với nó. Sau biến cố gia đình, tôi lao đầu vào làm việc, điều đó khiến tôi vui. Một buổi nói chuyện của tôi hút đông người xem. Từ đó, có những người tâm sự cùng tôi trên mạng. Đó chỉ là những dòng chữ thôi nhưng họ cho tôi những lời khuyên. Tôi hết buồn, tủi thân, cô đơn... Đó là lý do tôi không buông bỏ công việc này. Tôi sẽ không bao giờ bỏ nghề khi cái duyên thật sự đã đến với mình như thế.

ViruSs: Tôi từng sống chạm đáy tủi nhục và thấu hiểu sự cô độc

- Yếu tố cần và đủ đối với công việc này là gì?

Tôi có sự dễ dàng và thuận lợi hơn những người khác vì tham gia stream sớm hơn nên sự cạnh tranh không quá nhiều. Lúc đó, tôi chỉ cần là chính tôi, tạo ra tiếng cười, có kiến thức để nói chuyện với mọi người và hơn hết là sự chăm chỉ. Nhưng bây giờ, nghề này cần nhiều hơn thế. Mình cần sự tính toán, đầu tư. Hơn thế nữa, đó còn là bản sắc riêng. Trong một phút le lói, người ta không xem kênh khác mà chạy vào xem bạn. Chỉ vài giây thôi nhưng bạn phải tạo điểm nhấn với họ thì mới mong người ta quay lại. Nếu một lần livestream mà lượng người xem giảm, bạn phải biết tại sao nó giảm.

Mình phải đầu tư về máy móc, chiến lược, kinh phí để thu hút người xem. Nếu các bạn trẻ bây giờ cứ nghĩ cứ ngồi trước cái camera nói xàm xàm là có tiền thì không đúng. Hãy xác định đây là công việc nghiêm túc trước thay vì tiền.

- Số tiền khủng nhất bạn từng đầu tư cho một lần livestream?

Nếu nói là bước ngoặt đó là 5.000 - 6.000USD cho một bộ máy. Thời điểm đó, không có streamer nào có máy xịn bằng tôi. Lý do, tôi thấy được bước ngoặt chuyển giao nền gaming Việt Nam và thế giới. Tôi phải cho người ta thấy mình không chỉ có nội dung hay mà hình ảnh cũng phải đẹp.

- Lần livestream "kinh hoàng", ám ảnh nhất với bạn?

Lần livestream nhiều người biết tới tôi nhất cũng là lần căng thẳng nhất, vui nhất. Hôm đó tôi mở chức năng mới. Tôi dự tính chỉ live buổi sáng, khoảng 3 tiếng thôi. Khi bắt đầu, nào ngờ, tài khoản của tôi nhận được 1.000 USD (khoảng 22 triệu) chỉ trong vòng 30 phút. Và cuộc livestream đó đã kéo dài đến 48 tiếng. Khi đứng dậy, tôi bị chảy máu mũi, hoa mắt và phải đi truyền nước. Bác sĩ bảo tôi không được làm hành động này nữa. Tôi vừa thấy vui, vừa thấy sợ, song đó là bước ngoặt lớn nhất để tôi lập nên một kỷ lục cho bản thân.

- Tiền bạc và đam mê, cái nào quyết định hơn để bạn gắn bó với công việc?

Tôi nghĩ cả hai đấy. Khi tôi kiếm được tiền từ công việc này, tôi biết chuyện đó sẽ gây tiếng vang, nhiều người biết đến. Có người ủng hộ tôi nhưng cũng có người can ngăn. Không chỉ khiến mọi người mà các streamer khác cũng nể phục tôi. Tôi vẫn làm công việc đó đến nay vì cảm thấy vui. Tôi được nhiều thứ, không chỉ vì tiền không.

- Vậy thu nhập của bạn từ công việc này như thế nào?

8 năm về trước, lương 6-8 triệu/tháng là quá đủ sống ở Hà Nội. Khi làm streamer, tôi được nhiều hơn số đó. Đến bây giờ, thu nhập của tôi nhiều hơn số đó rất nhiều lần. Tôi đầu tư mở rộng công ty, đầu tư quán cà phê. Giờ tôi làm việc không phải vì tiền nữa mà vì sự thành công. Tất nhiên, con số kiếm được sẽ thể hiện cho sự thành công đó và giúp tôi đầu tư vào những thứ khác.

Tôi cũng phải nhấn mạnh với các bạn rằng, mặt trái của đồng tiền sẽ chiếm khoảng không về cảm xúc. Chưa chắc người nhiều tiền đã thích bằng người bình thường. Tất nhiên tiền ai cũng thích nhưng đối với bạn như vậy là đủ rồi thì đừng quá tham lam. Tôi không phải tham lam, chỉ là đang cầu tiến.

ViruSs: Tôi từng sống chạm đáy tủi nhục và thấu hiểu sự cô độc

- Thời điểm bùng nổ của ViruSs thường được so sánh với PewPew, bạn nghĩ gì về những soi xét ấy?

Giống như ngành nghề khác, streamer bây giờ không đơn thuần cứ đông người xem là được. Là một streamer có sức ảnh hưởng, bạn phải truyền tải được nhiều thứ cho người xem.

Tôi có biết về sự so sánh này. Không phải riêng tôi, PewPew cũng bị so sánh với nhiều người khác nữa. Màu streamer của tôi không có nhiều người. Tôi nghiêm túc, thẳng thắn, thoải mái, không nói quá lố. Tôi công nhận khi có sự can thiệp của ngôn từ, những từ ngữ dân dã như xem PewPew sẽ vui hơn nhưng tôi không làm như vậy được bởi như thế tôi không phải là tôi.

Còn chuyện so sánh, tôi đã tính trước rồi. Khi "chiến tranh" xảy ra thì có nhiều thứ để nói. Thế giới này chỉ có mình ViruSs hay mình PewPew không thôi sẽ chẳng có gì để nói. Tôi thấy việc so sánh càng lan tỏa nghề này, tôi càng thích. Nó giúp cho tôi, PewPew, cho mọi người có cái nhìn tích cực hơn về công việc này. Nếu nhận xét tôi kém hơn người khác, mình phải biết mà phấn đấu hơn.

- Sự cạnh tranh trong giới stremmer có khác với showbiz?

Tôi không biết trong giới showbiz như thế nào. Tôi vẫn trêu là "streambiz" cũng có áp lực. Chúng tôi không nói ra nhưng bất kỳ ai làm streamer cũng có cái tôi rất cao. Dù thế, tôi tin chắc mọi người trong nghề này không bao giờ đối xử tệ với nhau cả. Bọn tôi vẫn đi chơi, đóng góp cho nhau ý kiến. Như tôi và PewPew là bạn, tôi rất quý cậu ấy. Bọn tôi không ai muốn nói mình hơn người kia. Mọi người đều phải làm việc, nếu không chấp nhận, bọn tôi sẽ bị bỏ xa ngay.

- Bạn nghĩ thị trường streamer Việt Nam trong tương lai sẽ bùng nổ ra sao?

Streamer sẽ rất phát triển, không chỉ về tài chính mà còn cả sức ảnh hưởng. Tôi nghĩ trước sau nó cũng sẽ được công nhận. Dù kiến thức về marketing tôi không có nhiều nhưng tôi nghĩ, không có phương thức marketing nào hiệu quả bằng việc có nhiều người xem trực tiếp như vậy. Bạn có viết một bài báo, quảng cáo nó trên tivi, tất cả mọi người xem nó rồi nhưng sẽ không biết là người xem có thích cái đó hay không. Đối với streaming, bạn sẽ đánh giá được điều đó.

Đi kèm với sự bùng nổ ấy sẽ là sự cạnh tranh ngày một khốc liệt hơn. Có nhiều người nói vui với tôi rằng, streamer bây giờ có nhiều sức ảnh hưởng hơn cả ca sĩ. Tất nhiên, tôi không khẳng định hay phủ định điều đó. Tôi cũng quen nhiều ca sĩ, họ rất tuyệt vời nhưng rõ ràng streamer chúng  tôi cũng phải bỏ ra rất nhiều công sức nỗ lực không kém.

Tôi có thâm niên 7 năm về stream, từng chảy máu mũi, truyền nước, ngồi trước máy ít nhất 8 tiếng mỗi ngày. Tôi không muốn so sánh nhưng tôi cũng phải trả giá rất đắt để có thể gắn bó với nghề. Không có bằng ai, hơn ai, kém ai, chúng tôi có một góc trời riêng vì trong tương lai streamer còn mang đến những điều tích cực hơn nữa.

- Điều tiêu cực mà streamer phải chịu đựng ngoài sự chửi bới, soi mói qua những lần livestream còn có điều gì khác?

Ngày nào online, streamer cũng sẽ nhận được những bình luận cho rằng đang nói xàm hay bị nhục mạ bằng những câu nói khó nghe. Chúng tôi xem điều đó rất bình thường.

Tôi nghĩ đơn giản rằng kênh mình mở ra là để cho mọi người giải trí. Việc người ta chửi như vậy, họ thấy vui, thế là được vì mục đích của mình cũng chỉ có thể. Có thể người ta chat nhầm hay đang chửi thật nhưng mình đâu thể để tâm hết được. Tôi không coi đó là câu chửi. Với tôi những áp lực như so sánh, chửi bới, ném đá, soi mói... đã quá bình thường. Đã làm streamer thì phải chịu được áp lực. Áp lực đến từng giây phút, không phải từng mùa.

Gần 10 năm sống cô độc, không có Tết với gia đình

ViruSs: Tôi từng sống chạm đáy tủi nhục và thấu hiểu sự cô độc

- Gia đình có truyền thống về âm nhạc, ai là người có sự ảnh hưởng đến bạn nhất?

Đó là ông ngoại - một trong những người tôi kính trọng nhất. Gia đình tôi ngày xưa sống ở trong ký túc xá nhạc viện. Từ lúc sinh ra, 24/24 giờ tôi đều được nghe âm nhạc bên tai. Với người khác sẽ khó nhưng với tôi để nghe và phán đoán bản nhạc đó dùng nốt gì hay được chơi nhạc cụ nào thì rất dễ. Mọi người hay trêu tôi là con nhà nòi.

Ông là một trong những người dạy tôi về âm nhạc nhiều nhất. Ngay từ bé tôi đã được đưa vào khuôn khổ giờ nào nghe nhạc gì, nhạc nào hay, hay ở chỗ nào. Có rất nhiều thể loại âm nhạc tôi nghe hồi bé, tôi rất thích nhạc múa ba lê. Ông tôi từng thử dạy cho tôi cải lương, chèo - những thể loại nhiều người khác không thích nhưng tôi ngược lại. Tôi thấy mỗi loại hình đều có cái hay riêng. Tôi nghe nhạc theo ông, phân tích nó ngoài việc hưởng thụ.

-  Gia đình kỳ vọng lớn như vậy nhưng bạn lại rẽ sang hướng khác?

Ông ngoại lúc còn sống không nói rõ hay mong muốn tôi sẽ trở thành cái gì. Ngay từ bé, ông đã kèm cặp đến mức bà khóc, mẹ khóc, tôi cũng khóc. Lúc lớn lên, tôi thấy điều quan trọng nhất là ông mang lại cho tôi một góc nhìn sâu sắc mà không thể miêu tả bằng lời được. Khi nghe nhạc, những thứ trong đầu tôi như một bản năng vậy. Khi đó, tôi nhìn được hết các góc độ âm nhạc.

Với nhiều người âm nhạc đơn thuần và thuần túy nhưng đối với tôi âm nhạc là cả một hệ thống tính toán, có cả chiều sâu, nâng cao. Nếu mọi người để ý, một nốt nhạc, một lời cũng là một nghiên cứu rất kỹ của người viết ra nó.

- Có điều gì khiến bạn thấy hối hận khi nghĩ về người ông quá cố?

Ông ngoại, bà ngoại là hai người tôi yêu quý nhất. Đến tận bây giờ, tôi không có tình cảm nhiều với bố mẹ.

Cả hai đều mất trong thời điểm tôi không thể tới ngay bên họ được. Tôi hối hận khi đã không ở bên ông bà quá nhiều. Tôi nhận ra không có gì quý giá bằng khoảnh khắc đó. Đó là lý do vì sao tôi vẫn sống cho ông bà ngoại đến nay. Nó vừa là lời xin lỗi, vừa là lời khẳng định lương tâm của tôi với ông bà. Tôi nghĩ ông ngoại hiểu được cảm xúc của tôi. Ông là người ảnh hưởng tới tôi nhất từ trong suy nghĩ, cách đi đứng… Ông tôi là người cực kỳ điềm tĩnh và có được sự kính trọng từ mọi người.

ViruSs: Tôi từng sống chạm đáy tủi nhục và thấu hiểu sự cô độc

- Bạn có thấy chạnh lòng khi thiếu tình cảm của bố mẹ?

Trước đó thì có. Bằng tuổi, người ta được đi chơi nhưng tôi thì không, phải bươn chải đủ thứ từ sớm. Sau này thì không còn nữa vì tôi đã quen. Sự lạnh lùng đấy làm cho tôi cứng cáp hơn. Nó làm cho tôi có nhiều tình cảm với ông bà hơn.

Từ lúc đẻ ra cho đến năm 4 tuổi, bà ngoại biết tôi cứ lạnh chân là bị ốm. Bà không bao giờ để tôi đi bộ, hay cõng tôi trên lưng. Tôi không cần bố mẹ. Bây giờ tôi vẫn gặp mẹ nhưng giữa tôi và bà có bức tường ngăn cách lớn. Tôi gặp bố chỉ đếm trên đầu ngón tay nên cảm xúc với ông gần như không có. Mỗi lần gặp tôi còn cảm thấy khó chịu. Đã không có tình cảm mà còn gặp nhau trên tư cách người thân gây nên sự không thoải mái. Những cuộc nói chuyện giữa tôi và bố càng làm tôi cảm thấy khó chịu, không thể cứu vãn được. Còn tình cảm đối với mẹ tôi, đó chỉ là trách nhiệm.

Khi tôi đi du học, gia đình tôi gặp một vài sự cố về kinh tế. Đúng lúc tôi chuẩn bị đi Hàn Quốc, ông ngoại đánh điện gọi tôi về. Mẹ tôi vì tin người quá nên gia đình phải bán hết nhà cửa. Tôi phải ra công viên ở. Tôi từng phải chứng kiến những cái chỗ tệ nhất ở Hà Nội. Gia đình tôi cũng ly tán từ đó khi bố mẹ tôi ly hôn.

Moi người đều nói tôi cố chấp nhưng lúc ở gần họ, tôi lại không có cảm xúc gì. Họ không ở bên tôi những lúc tôi cần họ. Bây giờ tôi vẫn sẵn sàng giúp đỡ họ nhưng dù thế nào cũng vẫn có một bức tường ngăn cách. Tôi rất ít khi nói chuyện với mẹ tôi. Với bố, tôi không có nhu cầu.

- Quãng thời gian đó bạn từng sống như thế nào?

Lúc đó tôi đang ở cuối năm lớp 10. Thời điểm đó, Hà Nội cực kỳ lạnh, tôi chỉ có mỗi cái sơ mi trắng sọc. Tôi vẫn nhớ lúc ra khỏi nhà, trên người chỉ có một cái quần bò, đi dép quai hậu 75k... Vừa đi, tôi khóc như mưa.

Điều kinh khủng nhất của đời người không phải là khổ, buồn hay là chia tay mà là khát nước. Tôi đã phải uống nước ở công viên, bị đau bụng nhưng vẫn phải uống bởi lúc ấy không nhà, không cửa, người thân. Sau đấy, tôi đi loanh quanh và được một cô bán nước giúp đỡ. Tôi giúp cô ấy rửa cốc chén, đổi lại cô cho tôi uống nước sạch.

Sau khoảng độ một tuần đi bộ quanh Hà Nội để tìm việc, tôi được nhận đánh piano trong một quán cà phê. Tôi đánh thuê cho người ta hai tháng nhưng không lấy tiền. Tôi chỉ cần đồ ăn. Sau ba tháng, người ta cho tiền từ trăm nghìn rồi đến tiền triệu. Tôi mở rộng được mối quan hệ, đánh được đàn ở nhiều nơi khác. Tôi bắt đầu có tiền, thuê một nơi ở, mua được chiếc xe, laptop... Đến lúc tôi tìm được công việc làm nhân viên ý tưởng cho một công ty sự kiện, tôi mới dám quay về thăm ông bà ngoại...

Tôi không có quan hệ để đi tiếp con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Tôi chán và chơi game và dần trở thành streamer như vậy.

- Những cái Tết suốt thời gian qua với bạn như thế nào?

Tôi đón Tết một mình. Điều kinh khủng, đau đớn nhất trong cuộc đời tôi không gì bằng… cô độc. Hồi mới đi đánh piano, tôi sống một mình với 4 bức tường, chỉ có cái nệm để ngủ. 3 năm trời ở đó, mùng 1 Tết, tôi đều một mình. Tôi ra đường, không có một ai càng thêm buồn. Nhìn thấy người ta sum vầy gói bánh chưng, tôi cũng cố mua nó về nhà cho thấy chút không khí. Tôi nhận ra rằng mình càng làm thế mình càng buồn. Năm thứ ba, tôi không mua cái gì hết và chỉ ở một mình trong phòng thôi. Điều đó đến giờ vẫn kinh khủng nhất trong tôi.

Tôi từng ngã xe chảy máu, dao quẹt vào tay… bất kỳ chuyện gì cũng nếm trải. Tôi không cam đoan đã chịu hết mọi nỗi đau nhưng tôi đảm bảo mình đã ở tận cùng của sự cô độc. Ngày đó, tôi còn bạn gái nhưng lễ Tết họ cũng về với gia đình. Một mình tôi với bức tường, nằm trong phòng bật tivi lên và xem Táo quân. Tôi từng định đi bộ lúc 3h sáng sau giao thừa để tìm một người nào có hoàn cảnh như mình để nói chuyện nhưng không có.

- Tại sao bạn không tìm đến họ hàng để tìm niềm an ủi?

Tôi bắt đầu đi du học từ năm lớp 7. Gia đình tôi khá "đặc biệt". Tôi có một người anh cùng mẹ khác cha nữa. Gia đình nội không quan tâm tôi quá nhiều. Từ khi về Việt Nam, tôi chỉ ở với bà ngoại thôi. Gia đình lại có mâu thuẫn về đất đai nên gần như cô dì, chú bác không gần nhau. Trước khi ông bà mất, mấy cái Tết có nhưng vẫn không được trọn vẹn.

- Nếu gia đình không gặp biến cố, giờ này sẽ là một ViruSs như thế nào?

Nếu không có sự cố đó, có lẽ tôi đã trở thành một ca sĩ hoặc dancer hay gì đó. Nhưng tôi nghĩ cái gì cũng có duyên số. Mọi người hay bảo tôi, sau này có thành công thì nhớ viết sách bởi vì cuộc sống khá là đặc biệt.

Nhà tôi ngày xưa cũng khá giả, có mấy căn nhà ở Hà Nội, đùng một cái không có nơi trú ngụ. Tôi phải ngủ ở ngoài công viên. Ông bà phải di chuyển tìm nơi cư trú với cậu. Mẹ tôi thì phải trốn nợ. Vì xung khắc với họ hàng, lúc đó tôi còn trẻ quá nên cũng bỏ nhà ra đi.

Tôi không thể quên nổi cảnh tượng ông ngoại đang ngủ, trên tay cầm ổ bánh mì ăn dở, xung quanh đó là những con chuột đang chầu chực. Tôi đã trải những thứ tồi tệ nhất như thế.

Tất cả những chuyện đó là động lực rất lớn cho tôi. "Mọi chuyện cái gì qua nó sẽ qua thôi", tôi tự nhủ như vậy. Giờ tôi không có chỗ đứng như những người làm lãnh đạo cấp cao nhưng tôi cũng có được sự ngưỡng mộ của nhiều người khác. Nếu nói về tiền bạc, tôi không có quá nhiều nhưng tôi có cách kiếm tiền mà các bạn trẻ đều mong muốn. Tôi đang có vị trí rất nhiều người mong muốn. Tôi thấy hạnh phúc nhưng chưa thỏa mãn.

ViruSs: Tôi từng sống chạm đáy tủi nhục và thấu hiểu sự cô độc

Bước ngoặt ở mảnh đất Sài Gòn

- Quá trình vào Sài Gòn tự lập của bạn bắt đầu ra sao?

Tôi sống ở Sài Gòn đến nay cũng được 4 năm rưỡi. Tôi bắt đầu vào Sài Gòn khi chuyện tình cảm của tôi với bạn gái không thành, cũng đúng lúc bà ngoại mất. Đấy là khoảng thời gian Hà Nội khiến tôi rất khó thở. Tôi quyết định vào Sài Gòn bằng hai bàn tay trắng.

Lúc đấy tôi đã là streamer có tiếng rồi. Tôi thấy TP HCM sẽ cho mình nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp tốt hơn. Tôi tự lập từ năm lớp 7. Dù bà ngoại biết tôi rất công tử nhưng vẫn chấp nhận để tôi đi ra nước ngoài một mình. Không biết tiếng Anh gì hết nhưng tôi vẫn sống sót ở nơi xứ người.

Tôi mua máy về nhà bắt đầu streaming, tạo mối quan hệ quảng cáo. Lúc đấy, tôi cũng nổi tiếng, rồi mọi người đặt quảng cáo khá nhiều. Tôi có tiền chi trả, dần dần thay đổi nơi sống khang trang hơn. Tôi làm được một thời gian, thấy phát triển quá, tôi mở công ty, thêm chi nhánh, văn phòng. Tính tôi thích đầu tư nên tôi mới làm như vậy.

- Nhìn lại hành trình đó, bạn thấy mình thay đổi ra sao?

Nhiều lúc tôi vẫn không tin được. Ngày xưa, tôi nghĩ mỗi tháng kiếm khoảng 10- 15 triệu đồng là có thể lấy vợ rồi. Cuộc sống cứ cuốn tôi đi khiến bản thân mình cũng đánh mất nhiều thứ. Giờ tôi hoàn toàn có thể đi du lịch đến nơi mình thích không ai cản. Không ai có thể cản được quyết định của tôi hết. Cuộc đời tôi không còn khổ như trước.

- Bạn có hạnh phúc với những điều đó?

Không hẳn hạnh phúc bởi vì tôi sống cho bản thân quá nhiều. Tôi chưa sống vì ông bà, vì những gì đã xảy ra. Nhưng tôi cảm thấy vui. Tôi cảm thấy cuộc sống như vậy đã là chấp nhận được. Nhiều người bảo quan trọng nhất của cuộc đời là tiền, địa vị... Nhưng tất cả mọi thứ đều không bằng hạnh phúc. Mọi người làm việc tất cả đều vì hạnh phúc. Có thể xem việc tôi đang làm là hạnh phúc. Trong khoảnh khắc ngắn nào đó thôi của cuộc đời, đó cũng là hạnh phúc rồi. Tôi chưa tham vọng về hạnh phúc lâu dài.

- ViruSs đang tham lam chuyện kiếm tiền mà quên mất việc tìm hạnh phúc cho bản thân?

Tôi cũng tự hỏi câu này 6 -7 năm nay. Lúc tôi thu nhập khoảng 15 triệu/tháng, tôi cứ nghĩ sẽ đi du lịch Vũng Tàu, Mũi Né nhưng thu nhập càng cao, nhiều đơn hàng, mở công ty, chi nhánh…, tôi cứ bị cuốn vào nó. Khi cầm giải thưởng của We Choice Awards, tôi cảm thấy mình vẫn không là gì trong cả khán đài hàng nghìn người phía dưới. Có thể tôi là người quá tham vọng, nghe thôi cũng thấy ác cảm. Giờ tôi làm không phải vì thu nhập nữa. Tôi không quan tâm thu nhập doanh thu của mình bao nhiêu. Tôi chỉ quan tâm đang làm được việc này, thỏa mãn với chính bản thân.

- Hai từ "mạo hiểm" trong cuộc sống, công việc của bạn thể hiện như thế nào?

Trong tôi có nhiều thứ mạo hiểm lắm. Một streamer như tôi sao lại mở công ty, đối mặt với thuế, nội bộ... Tôi là người dám làm chuyện đấy và thấy vui vì tính cách tôi đã như vậy. Sau 1- 2 năm mở công ty, tôi không thu lại đồng nào cả nhưng thấy từng ngày hoàn thiện. Tôi biết cách quản lý nhân sự, tiền bạc như thế nào cho hợp lý . Càng thất bại tôi càng thích. Con người có ai hoàn hảo đâu. Một ngày 24 tiếng, tôi phải tranh thủ làm mọi việc trên nhiều lĩnh vực nhưng vẫn chưa thỏa mãn với nó.

- Những lúc khó khăn nhất, bạn vượt qua nó bằng cách nào?

Tôi tìm đến âm nhạc. Vui buồn gì tôi cũng nghe và chơi piano. Tôi không thể ngồi một tiếng mà không có gì bên tai cả. Ngày xưa tôi rất khó ngủ nhưng giờ với âm nhạc, tôi cải thiện được điều đó.

Tìm lại đam mê với âm nhạc

ViruSs: Tôi từng sống chạm đáy tủi nhục và thấu hiểu sự cô độc

 

Mv 'Thằng điên'

- Điều gì khiến bạn quay trở lại với âm nhạc khi đã gắn bó với streamer lâu như vậy?

Âm nhạc đã chảy trong máu tôi từ nhỏ và nó không đi đâu hết. Thậm chí, tôi đến với âm nhạc nhiều hơn streaming. Tất cả những điều đó đều nằm trong suy nghĩ của tôi. Tôi biết streaming hợp với mình nhưng âm nhạc vẫn chảy trong người. Nó là thứ giúp tôi mạnh mẽ, vực dậy tôi sau nhiều sóng gió.

Năm nay, tôi phải làm hết sức mình để chứng tỏ điều đó. Có thể sẽ gặp nhiều trở ngại, rủi ro nhưng tôi sẵn sàng cho tất cả theo cách tử tế nhất. Dù đầu tư cho nó nhưng không vì thế mà tôi giảm thiểu công việc streaming xuống.

- Với nhiều người điều này là muộn màng, với bạn thì sao?

Tôi nghĩ nó đều có cái hay, cái dở. Trước đây, nếu tôi làm sớm thì rủi ro chắc còn lớn hơn. Giờ tôi đã có nhiều kinh nghiệm, có nhiều cái nhìn hơn với công việc. Tôi chỉ muộn về mối quan hệ, thực nghiệm... nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn ở góc nhìn, rủi ro sẽ giảm đi. Không có gì là tuyệt đối cả, cũng như kinh doanh, nếu không thành công tôi vẫn sẽ chấp nhận.

Năm nay tôi sẽ can thiệp 100% vào khâu sản xuất và viết. Tôi nghĩ mọi người sẽ cảm nhận được sự cố gắng hết sức, sự đầu tư mà tôi có. Tôi biết được người nghe đang thích cái gì. Tôi sẽ cân đối mọi thứ. Nó sẽ không chỉ là một bài hát đơn thuần mà là sản phẩm có giá trị.

- Nhiều nhạc sĩ chọn mặt gửi vàng đứa con của mình cho những ca sĩ tên tuổi, ViruSs thì sao?

Tôi cũng có quen với nhiều ca sĩ. Nhưng tôi không bao giờ thương mại sản phẩm âm nhạc. Tôi không bao giờ bán và thu tiền trên tác phẩm mình tạo ra. Chỉ cần bài hát đúng người, đúng giọng, đúng kiểu tôi muốn là được. Nếu mọi thứ ổn, tôi tin tiền sẽ tự rơi đến mình thôi.
 

Tân Cao

Tin mới nhất

Thêm một cặp đôi phim Việt khiến khán giả mê mẩn

Rating 2 tháng trước

Bên cạnh những tình tiết đấu trí hấp dẫn, bộ phim Người thầm lặng còn giới thiệu một “loveline” (tuyến tình cảm) đang hạ gục khán giả bởi quá ngọt ngào nhưng cũng đầy hiểm nguy.

“Phim ngắn cuối tuần”: Mẹ là người yêu thương ta vô điều kiện

Rating 4 tháng trước

“Mẹ là người có thể thay thế bất kỳ ai khác nhưng không ai có thể thay thế được mẹ” là câu nói hoàn toàn đúng với câu chuyện tuần này.

Ảnh và clip rước dâu của Puka - Gin Tuấn Kiệt ở Đồng Tháp: Dàn bê tráp mang sính lễ xuất hiện bằng đường sông

Sao Việt 5 tháng trước

Sau tiệc thân mật tối qua, sáng 16/11, đám cưới tại Đồng Tháp của Puka và Gin Tuấn Kiệt đã chính thức diễn ra. Ngay từ sớm, cô dâu chú rể cùng với dàn bê tráp đã tươm tất mọi khâu để chuẩn bị cho các nghi thức đám cưới miền Tây. Phía đàng trai, Lê Dương Bảo Lâm làm MC sẽ dẫn đoàn bê tráp xịn xò gồm Jun Phạm, BB Trần, Hải Triều... sang nhà gái. Phía Puka từ sáng cũng đã rần rần chuẩn bị tiếp đón khách quý.

Hiệp hội Nông nghiệp NONGYUP- Hàn Quốc mang nho mẫu đơn Shine Muscat Hàn Quốc trình làng thị trường Việt

Tin tức 5 tháng trước

Ngày 14/11/2023, Hiệp hội Nông nghiệp NongHyup Thành phố Yeongcheon đã phối hợp với HS Entertainment tổ chức một sự kiện đặc biệt tại Việt Nam, mang đến loại nho mẫu đơn Shine Muscat Hàn Quốc để khách hàng có thể trải nghiệm miễn phí tại Siêu thị Lotte Mart Quận 7.

Thanh Hằng khoe nhan sắc rạng rỡ, có 1 thay đổi sau khi kết hôn với chồng nhạc trưởng

Sao Việt 5 tháng trước

Sau khi kết hôn, Thanh Hằng và ông xã ngày càng được người hâm mộ ủng hộ, yêu mến.

Lễ gia tiên Puka và Gin Tuấn Kiệt: Cô dâu chú rể diện áo dài hồng, Trường Giang làm chủ hôn cùng dàn bê tráp xịn xò

Sao Việt 5 tháng trước

Buổi lễ gia tiên của Puka và Gin Tuấn Kiệt diễn ra đơn giản và ấm cúng tại nhà riêng.